-
OPEC sẽ thảo luận về cắt giảm sản lượng dầu vào tháng 11
Theo Reuters, ngày 21/8, kênh truyền hình Kuwait dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ nước này Essam al-Marzouq cho biết, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ thảo luận về khả năng mở rộng hoặc chấm dứt việc cắt giảm sản lượng Khai thác dầu mỏ tại hội nghị diễn ra vào tháng 11 tới. [Sản lượng dầu thô của các nước thành viên OPEC tăng nhẹ] Ông Marzouq nói: "Tại hội nghị tiếp theo diễn ra vào cuối tháng 11 tới... những vấn đề quan trọng nhất sẽ liên quan tới số phận của thỏa thuận mở rộng hoặc chấm dứt cắt giảm sản lượng." Ông Marzouq cho biết thêm trong những tuần gần đây, dự trữ dầu mỏ của Kuwait đã xuống mức thấp hơn mong đợi và dự báo sản lượng dầu của nước này sẽ chỉ đạt đạt 2 triệu thùng/ngày, giảm từ mức 6.5 triệu thùng/ngày.
-
Quảng Ninh: Bục ống dẫn khiến 200l dầu tràn ra Vịnh Hạ Long
Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, cho biết tại khu vực Vụng Oản, Vịnh Hạ Long vừa xảy ra sự cố khoảng 200l dầu tràn ra vịnh trong quá trình chuyển tải dầu giữa các tàu. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do đường ống dẫn bị bục. Trước đó, vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 16/8, tàu QN-3438H đang chuyển tải dầu sang tàu QN-3268H bằng đường ống nhựa cao su phi 100, dài 30m bắc qua moong tàu QN-4288H của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải sông biển Diệp Dũng, đơn vị chuyên cung cấp dầu cho tàu, thuyền trên Vịnh Hạ Long, thì đoạn ống chuyển tải dầu bị bục, dầu tràn ra boong tàu và xuống biển. Ngay lập tức công nhân trên tàu đã huy động lực lượng thu gom dầu tràn trên boong tàu, đồng thời gọi điện xin trợ giúp của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh. Trung tâm ứng phó sự cố Tràn dầu Đông Bắc Bộ - Chi nhánh Quảng Ninh đã huy động ba canô và hai tàu chuyên dụng cùng một số đơn vị khác đến ứng cứu. [Thanh Hóa: Ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển do tàu chìm] Nhận được thông tin, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục sự cố. Đến khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, số dầu tràn xuống Vịnh Hạ Long đã được khống chế hoàn toàn. Các đơn vị chức năng phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải sông biển Diệp Dũng và các đơn vị ứng cứu tiếp tục thu gom lượng dầu tràn còn lại trên biển. Để đánh giá chất lượng môi trường nước tại khu vực xảy ra sự cố, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tiến hành lấy mẫu nước phân tích./.
-
Giá dầu thế giới tăng do dự trữ dầu thô của Mỹ giảm hơn dự kiến
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 9/8 sau khi một báo cáo cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến. Trên sàn giao dịch New York trong phiên 9/8, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2017 tăng 0,39 USD lên 49,56 USD/thùng. Trong khi tại Thị trường dịch London, giá dầu Brent giao tháng 10/2017 tăng 0,56 USD lên 52,70 USD/thùng. [OPEC hy vọng các nước tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng hơn nữa] Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 6,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/8 xuống còn 475,4 triệu thùng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn mức giảm dự kiến chỉ là 2,7 triệu thùng. Theo các nhà phân tích thông tin này đã giúp thị trường giảm bớt quan ngại về sự dư thừa nguồn cung trên toàn cầu và hỗ trợ giá dầu trong phiên 9/8.
-
Saudi Arabia kêu gọi kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng, giá dầu leo dốc
Sau khi giảm 1,5% trong tuần trước, giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng 2 hôm 22/1 tăng 12 cent, tương đương 0,2%, lên 63,49 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 3 tăng 26 cent lên 63,57 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 3 tăng 42 cent, tương đương 0,6%, lên 69,03 USD/thùng. Giá dầu tăng sau khi OPEC và Nga đã để ngỏ khả năng tiếp tục hợp tác để hạn chế nguồn cung sau khi thỏa thuận hiện tại hết hạn vào cuối năm nay, theo Rebecca O’Keeffe, trưởng bộ phận đầu tư tại Interactive Investor. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih hôm Chủ nhật nói với báo giới rằng OPEC và một nhóm các nước khác do Nga đứng đầu nên tiếp tục hợp tác về sản lượng sau khi thỏa thuận cắt giảm nguồn cung hết hạn vào cuối năm 2018. Đây là lời kêu gọi công khai nhất đối với các nước sản xuất dầu lớn về việc hỗ trợ thị trường trong năm 2019. Giá dầu WTI đã tăng gần 50% từ mức 43 USD/thùng vào tháng 6, một phần do các nước này cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày nhằm giảm lượng dư cung trên toàn cầu. O’Keeffe bình luận rằng OPEC và Nga chỉ có tác động một phần do các công ty dầu mỏ ở Mỹ, Canada và Brazil đều được cho là sẽ đẩy mạnh khai thác nhằm tận dụng giá dầu tăng. “Với những diễn biến mới này trên thị trường dầu mỏ, khả năng tăng cung trở thành một rủi ro lớn đối với giá dầu”. Trong một báo cáo đưa ra trong tuần trước, Tổ chức Năng lượng Quốc tế dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ vượt mốc 10 triệu thùng/ngày trong năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 1970. Trong khi đó, Thượng viện Mỹ hôm thứ Hai đã thông qua một dự luật mở đường cho Chính phủ mở cửa trở lại. Các hoạt động của chính phủ liên bang sẽ được khôi phục hoàn toàn vào thứ Ba. Nguồn tin: Bizlive